Đông Kết là một xã thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, Việt Nam.
Xã có diện tích 6,40 km², dân số năm 1999 là 9508 người,[1] mật độ dân số đạt 1486 người/km².
Xã Đông Kết nằm bên triền đê tả ngạn sông Hồng, phía bắc giáp xã Tứ Dân, phía nam giáp xã Liên Khê, phía đông giáp xã Bình Kiều, phía tây giáp xã Đông Ninh và xã Tân Châu. Xã chia thành 3 thôn là: thôn Đông Kết, thôn Trung Châu và thôn Lạc Thủy. Trong đó 3 thôn được chia làm 23 đội từ 1 đến 23, thôn Trung Châu từ đội 1 đến đội 10...
Xã Đông Kết có diện tích là 636,36 ha, trong đó đất thổ cư là 71,56 ha, đất canh tác là 419,03 ha và diện tích ao, hồ, đầm là 45,28 ha. Diện tích đất trong đê là 509,65 ha và diện tích đất ngoài đê là 126,71 ha.
Xã Đông Kết hình thành trên cơ sở hợp thành từ các làng nhỏ ven đê tả ngạn sông Hồng gồm Triền Khiết, Triền Thủy, Triền Chu. Thời Gia Long, xã Đông Kết thuộc tổng Đông An, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), Đông An được nâng lên thành huyện. Xã Đông Kết bấy giờ thuộc tổng Bái, huyện Đông An, cùng với các làng (xã) Kênh Khê, Triền Thủy, Triền Chu, Mạn Xuyên, Cẩm Khê, Phú Mĩ.
Sau Cách mạng tháng 8, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho tách một số làng xã của tổng Bái, trong đó có xã Đông Kết cũ, thành lập xã Đông Kinh. Năm 1974, xã Đông Kinh được đổi tên trở lại thành xã Đông Kết.
Xã Đông Kết có một đoạn đê sông Hồng dài gần 2 km đi qua. Theo hướng Bắc đê sông Hồng đi qua các xã Tứ Dân, xã Hàm Tử, xã Dạ Trạch, xã Bình Minh, huyện Văn Giang và thủ đô Hà Nội. Theo hướng Nam đê sông Hồng đi qua các xã Liên Khê, xã Chí Tân, xã Thuần Hưng, xã Thành Công, huyện Kim Động và thành phố Hưng Yên.
Trên địa bàn xã Đông Kết còn có đường 209 đi qua nối Đông Kết với các xã khu Tây huyện Khoái Châu và thị trấn Khoái Châu.
Xã Đông Kết là một xã thuần nông với nhiều loại cây ăn quả như nhãn, cam, bưởi, chuối...nhưng tỉ trọng nông nghiệp đang có xu hướng giảm và tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng.[cần dẫn nguồn] Trên địa bàn có công ty dệt may thuộc tập đoàn dệt may Hưng Yên.
Đông Kết là một vùng đất có truyền thống hiếu học từ lâu đời với nhiều người đỗ đạt cao. Một số danh sĩ tiêu biểu như Trần Cảnh Đương đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442), Trần Cảnh Mô (con trai cụ Đương) đỗ tiến sĩ khoa Quý Dậu (1453) và cụ Đỗ Thiểm đỗ cử nhân năm Canh Ngọ.
Ngày nay, trên địa bàn xã Đông Kết có các trường học sau: